Thứ Năm, 19 tháng 12, 2013

Kiến thức phổ thông: Trường phái kinh điển - Classicism

Chủ nghĩa kinh điển là khuynh hướng nghệ thuật rất rộng, muốn duy trì các giá trị thẩm mỹ thời Hy Lạp cổ đại (khoảng 500-338 trước Công nguyên). Những giá trị này thường được đặc trưng qua tính cân đối, tỉ lệ, lý luận, và hài hòa, tức các đặc trưng bao hàm cả vẻ đẹp lý tưởng lẫn sự thanh bình trong trật tự.

Nghệ thuật thị giác trường tồn nhất trong thời Hy Lạp cổ đại là kiến trúc và điêu khắc. Kiến trúc Hy Lạp dựa trên cơ sở hình học - tròn, vuông, tam giác, và chữ nhật. Tính "trật tự" trong kiến trúc Hy Lạp, gồm Doric, Ionic, và Corinthian (dễ thấy nhất ở phong cách trang trí đỉnh cột) là nguồn cảm hứng cho nhiều nhà kiến trúc sau này tạo ra thiết kế của chính họ. Trong điêu khắc, người Hy Lạp đã lý tưởng hóa gương mặt và hình dáng con người, thay vì thể hiện các cá thể với tất cả những dị dạng và khiếm khuyết - bắt chước thuyết Dạng thức của Plato.

Người La Mã đã vay mượn nghệ thuật Hy Lạp rất nhiều, nhưng khi đế chế La Mã sụp đổ vào thế kỷ thứ năm sau Công nguyên, các giá trị kinh điển đó đã rơi vào bóng tối hàng ngàn năm, cho đến khi được hồi sinh vào thời Phục hưng, khi các nhà nghệ thuật và kiến trúc hào hứng áp dụng dạng thức Hy Lạp và La Mã. Đặc biệt trong kiến trúc, chủ nghĩa kinh điển vẫn còn ảnh hưởng to lớn.

Văn học cũng vậy, các mô hình của người Hy Lạp và La Mã cổ đại đã được hồi sinh vào thời Phục hưng, khi các nhà phê bình phát triển kịch bản của Aristotle thành ý tưởng gồm ba thể thống nhất - hành động, nơi chốn, và thời gian. Những qui tắc này được tuân thủ nghiêm ngặt bởi các nhà soạn kịch vĩ đại người Pháp ở thế kỷ mười bảy là Racine và Corneille; nhưng William Shakespeare (1564–1616), nhà soạn kịch vĩ đại hơn nhiều, đã phớt lờ những qui tắc này và vì vậy bị lên án vào thời đó là kẻ quê mùa thô lỗ.

Thời kỳ âm nhạc "cổ điển" (khoảng 1770–1820) - tức thời đại của Haydn, Mozart, và Beethoven - thì ít vay mượn sản phẩm của Hy Lạp cổ đại hơn, dầu vậy sự nhấn mạnh đến cấu trúc cân đối và phân giải hài hòa chắc chắn đã đi theo tinh thần cổ điển.

-- Nguồn: Ian Crofton (2013) Tóm lược các tư tưởng lớn: 200 khái niệm làm thay đổi thế giới được diễn giải tức thì, Quercus.
-- Toàn bộ kiến thức phổ thông được tập hợp tại http://cstmind.blogspot.com/p/kien.html
-- Ảnh: https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEgfcAf8p-RsOYJJTYRyC4t0REZHlnu6vQ8pDV1WGaDx3YpQogBxQ9oCyTPAIXWZ04GKcjW8gs9xFbeNTsKVb24IPIOUiV6zBiKwgTCXTizlYXvbPEPJf2EnoXqgmbq4O4Gikk_93ua8AXg/s1600/golden+section+-+parthenon.jpg

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét