Thứ Hai, 9 tháng 12, 2013

Kiến thức phổ thông: Giai cấp - Class

Ngày nay, ta hiểu sự phân tầng và phân chia xã hội chủ yếu qua giai cấp. Tuy nhiên, xã hội có thể được cấu trúc theo nhiều cách khác nhau. Chẳng hạn, có những phân chia theo chiều dọc như giới tính, dân tộc, tôn giáo, hay ngôn ngữ, và các phân chia này, ngay cả hiện nay, còn xuyên suốt trong các phân chia theo chiều ngang như giai cấp.

Những phân chia theo chiều ngang hay theo giai tầng là hiển nhiên trong xã hội loài người khi ta chuyển từ săn bắn và hái lượm sang định canh. Chẳng hạn xã hội Âu châu thời trung cổ được chia thành ba "đẳng cấp" (quý tộc, tăng lữ, và thứ dân), hay chế độ đẳng cấp phổ biến ở Ấn Độ qua hơn hai ngàn năm.

Trong chế độ đẳng cấp, cá nhân bị giam hãm thường trực vào đẳng cấp mà họ sinh ra và bị cấm cưới người không có cùng đẳng cấp. Đẳng cấp của một người qui định nghề nghiệp của họ. Cao nhất là Brahmin (Bà-la-môn), hay tăng lữ; và thấp nhất là Dalits, gọi là "đừng cho đụng vào", tức những người làm hầu hết các công việc phục dịch. Mặc dù công nghiệp hóa và luật pháp chính phủ đã phần nào hạn chế chế độ đẳng cấp, nhưng nó vẫn tác động mạnh mẽ ở Ấn Độ.

Dưới chế độ tư bản công nghiệp hiện đại, phân chia xã hội chủ yếu là phân chia giai cấp. Yếu tố quyết định giai cấp là kinh tế, vì vậy xã hội tư bản cơ động hơn chế độ đẳng cấp. Karl Marx nhìn giai cấp theo sự liên quan đến nguồn vốn (tài sản dùng để phát sinh lợi nhuận), và đề ra hai gia cấp chính: giai cấp tư sản, tức những người làm chủ phần lớn nguồn vốn đồng thời thuê mướn phần lớn lực lượng lao động; và giai cấp làm công, những người không làm chủ nguồn vốn đồng thời làm thuê cho giai cấp tư sản để nhận lương.

Ngày nay ta có xu hướng nhìn giai cấp theo địa vị và nghề nghiệp, ý tưởng này đầu tiên được nhà xã hội học Đức Max Weber đưa ra. Cách nhìn này thường đặt giai cấp trung thượng lưu (lãnh đạo cấp cao và chuyên gia như bác sĩ và luật sư) lên cao nhất, còn công nhân làm việc tay chân và không có kỹ năng thì ở dưới đáy.

-- Nguồn: Ian Crofton (2013) Tóm lược các tư tưởng lớn: 200 khái niệm làm thay đổi thế giới được diễn giải tức thì, Quercus.
-- Toàn bộ kiến thức phổ thông được tập hợp tại http://cstmind.blogspot.com/p/kien.html
-- Nguồn ảnh: http://www.beaconlearningcenter.com/WebLessons/Hardtimes/Pages/classes/classimages/classpyramid.gif

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét