Thứ Ba, 12 tháng 11, 2013

Kiến thức phổ thông: Chuyển hóa nhận thức - Paradigm shifts

Trong tác phẩm "Cấu trúc các cuộc cách mạng khoa học" xuất bản năm 1962, triết gia đồng sử gia người Mỹ Thomas S. Kuhn cho rằng khoa học không phát triển liên tục và tuyến tính, mà qua một chuỗi những "chuyển hóa nhận thức" (paradigm shifts). Trong triết lý khoa học, paradigm là một thế giới quan hết sức tổng quát, là một khuôn khổ ý niệm để nhà khoa học hoạt động trong đó. Với một nhận thức sẵn có, nhà khoa học làm "khoa học thông thường", tức giải quyết các vấn đề mà thế giới quan đó đặt ra, chứ không muốn thách thức nó. Một chuyển hóa nhận thức là một cách mạng khoa học trong đó thế giới quan này thay thế thế giới quan kia. Điều này đưa đến giai đoạn "khoa học mang tính cách mạng", nó mở ra các quan điểm mới, các đường hướng đòi hỏi phải tự thể hiện mới, và các câu hỏi mới cật vấn những dữ kiện cùng giả định cũ. Chuyển hóa nhận thức thường phát sinh không nhất quán, khi các vấn đề nan giải mà thế giới quan hiện tại đưa ra đã tích tụ đến mức buộc phải đột phá.

Ví dụ kinh điển về chuyển hóa nhận thức là phát hiện của Nicolaus Copernicus (1473–1543), ông nhận ra rằng mô hình cổ đại xem trái đất là trung tâm vũ trụ không thể diễn giải cho vô vàn quan sát tích tụ về các hành tinh. Nhờ giả định trái đất quay quanh mặt trời, chứ không ngược lại, ông thấy rằng mô hình mới khớp tốt hơn nhiều với dữ liệu quan sát. Mô hình mặt trời làm trung tâm của Copernicus đã bị Giáo hội La Mã lên án kịch liệt, vì nó đã loại bỏ trái đất, tức nhân loại, ra khỏi trung tâm vũ trụ. Các ví dụ khác về chuyển hóa nhận thức là cuộc lật đổ cơ học Newton bằng vật lý lượng tử và thuyết tương đối vào đầu thế kỷ hai mươi.

Bằng việc soi rọi vào các chuyển hóa nhận thức, và thực tế cho thấy các thế giới quan thường bất tương thích, Kuhn đã chứng minh rằng khoa học, thay vì được phần đông cho rằng đó là một theo đuổi hoàn toàn khách quan, thực chất chỉ là một hoạt động của con người. Như vậy, khoa học có tính chủ quan ở mức độ nào đó, nó được định hình bởi các yếu tố xã hội, văn hóa, và lịch sử.

-- Nguồn: Ian Crofton (2013) Tóm lược các tư tưởng lớn: 200 khái niệm làm thay đổi thế giới được diễn giải tức thì, Quercus.
-- Toàn bộ kiến thức phổ thông được tập hợp tại http://cstmind.blogspot.com/p/kien.html
-- Nguồn ảnh: http://facilitatoru.com/blog/wp-content/uploads/2009/10/paradigm_shift.jpg

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét