Điều gì tạo nên trí khôn là thắc mắc tiếp tục gây nhiều tranh luận, cũng như nghi vấn là di truyền hay môi trường đóng vai trò nổi trội trong việc xác định trí khôn của một người.
Vào những năm đầu của thế kỷ hai mươi, tâm lý gia người Pháp Alfred Binet (1857–1911) đã phát triển các bài trắc nghiệm trí khôn đầu tiên dành cho học sinh. Chẳng bao lâu sau, một cơ sở thống kê cho những trắc nghiệm đó đã được đưa ra dưới dạng "chỉ số thông minh", hay IQ (Intelligence Quotion), tức dựa trên tỉ số giữa tuổi thực tế và tuổi phát triển trí tuệ, trong đó tuổi phát triển trí tuệ được đo từ kết quả trắc nghiệm. Trắc nghiệm IQ thường dùng cả lý luận bằng lời lẫn không lời để đánh giá trí khôn nội tại. Tuy nhiên, phương pháp này đã bị suy yếu do trẻ em có thể được luyện để làm trắc nghiệm IQ tốt hơn.
Một mô hình trí khôn khác được tâm lý gia Thụy Sĩ Jean Piaget (1896–1980) đưa ra. Piaget nghiên cứu quá trình tư duy ở trẻ em, đặc biệt là nhận thức, phán đoán, và lý luận, từ đó ông đưa ra một chuỗi các giai đoạn định tính khác nhau trong quá trình phát triển trí khôn của người lớn. Ông kết luận rằng quá trình phát triển này phụ thuộc vào các yếu tố môi trường, nhằm cung cấp những kinh nghiệm cần thiết, và rằng giáo dục trẻ em cần được thiết kế nhằm nâng cao quá trình này.
Cả trắc nghiệm IQ lẫn mô hình Piaget đều không xem xét đến những khác biệt văn hóa. Một phương pháp thứ ba xem trí khôn là do văn hóa qui định: nhiều xã hội coi trọng một số kỹ năng này hơn các kỹ năng khác. Chẳng hạn, dân tộc chuyên săn bắn hái lượm coi trọng kiến thức về môi trường thiên nhiên và khả năng kết hợp kiến thức thiên nhiên với những kỹ năng thực dụng như dò tìm dấu vết và săn bắn. Các kỹ năng mà trắc nghiệm IQ yêu cầu phải làm tốt, trong khi có thể có giá trị trong những xã hội công nghiệp hiện đại, thì lại rất không phù hợp với dân tộc đó.
Một phương pháp khác lại nhấn mạnh đến tầm quan trọng của "trí tuệ cảm xúc" (EQ). Những người ủng hộ phương pháp này cho rằng các phương diện nhận thức của trí khôn như kỹ năng giải quyết vấn đề chỉ là một phần. Phần quan trọng không kém trong thành công của ta là khả năng thấu hiểu và kiểm soát các cảm xúc của bản thân cũng như của người khác.
-- Nguồn: Ian Crofton (2013) Tóm lược các tư tưởng lớn: 200 khái niệm làm thay đổi thế giới được diễn giải tức thì, Quercus.
-- Toàn bộ kiến thức phổ thông được tập hợp tại http://cstmind.blogspot.com/p/kien.html
-- Nguồn ảnh: http://choivahoccungbe.com/wp-content/uploads/2013/11/IQ_EQ.png
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét