Chủ Nhật, 17 tháng 11, 2013

Kiến thức phổ thông: Hình tượng - Imagery

Một trong những thành phần chính của văn học, cũng như nghệ thuật thị giác, là hình tượng. Trong nghệ thuật thị giác, hình tượng là phác họa các sự vật, còn trong văn học nhà văn dùng từ ngữ để gợi lên hình ảnh trong tâm, hay gợi lên những kinh nghiệm giác quan khác, như âm thanh và mùi vị. Hình tượng đó có thể được khai thác để gợi lên một quang cảnh; có thể tạo ra một quan điểm mới về một điều quen thuộc; hay có thể chỉ ra hoặc bổ sung nghĩa bóng, đó là lối ám dụ và biểu tượng.

Trong văn học, hai công cụ tu từ cơ bản nhất liên quan đến hình tượng là so sánh và ẩn dụ. So sánh là khi cái này so với cái kia - chẳng hạn, "Tình tôi tựa hồng thắm". Ẩn dụ là khi cái này được nói là cái kia - chẳng hạn, "Đi đi, hồng yêu dấu!" Cả hai đều có tác dụng tương tự trong việc kết hợp điều này với điều kia, nhờ đó nêu bật, làm mới hay phức tạp hóa nhận thức của ta về điều đó. Một số hình ảnh có thể trở thành qui ước văn học. Ví dụ, trong sử thi Homer, biển cả luôn là "rượu vang đen" và bình minh luôn là "ngón tay hồng", trong khi đó thi ca Anglo-Saxon thì biển thường là "lối cá voi" và sông là "lối thiên nga". Văn học hội họa thời Trung cổ cũng như Phục hưng thì đầy hình ảnh chuẩn mực dễ hiểu, dù có tôn giáo hay không. Chẳng hạn, Thánh Thần được phác họa bằng hình bồ câu trắng và bồ nông tượng trưng cho đức hy sinh tận tụy của cha mẹ (người ta tin rằng bồ nông rỉa ngực lấy máu nuôi con thơ), còn diều hâu thì miêu tả quyền lực đế vương.

Nghệ sĩ thường thích đùa giỡn với hình tượng qui ước, họ thích lật đổ lối mòn từ các qui ước nghệ thuật. Khi Shakespear mở đầu bài thơ Sonnet 18 bằng câu hỏi "Anh có nên ví em với ngày mùa hạ?" ta ngạc nhiên hiểu rằng người yêu chẳng giống ngày hạ, mà thật ra còn xinh đẹp hơn. Và khi ông mở đầu bài thơ Sonnet 130 bằng "Đôi mắt người yêu tôi không giống mặt trời", ta biết rằng sáo ngữ xưa chuẩn bị được làm mới, nếu không phải bị phủ nhận hoàn toàn.


SONNET 18
William Shakespear - Dịch giả: Vũ Hoàng Linh

Anh có nên ví em với ngày mùa hạ?
Em đáng yêu hơn và rất đỗi dịu êm
Gió mạnh tháng Năm chao đảo những nụ hoa
Mùa hạ ngắn không đủ cho hò hẹn

Mắt thiên đường đôi khi quá nóng bỏng
Ánh vàng óng nhiều lúc phải phai mờ
Những huy hoàng có thể không đượm thắm
Bởi thiên nhiên thay đổi vẫn tình cờ.

Duy mùa hạ vĩnh cửu của em còn mãi
Và sắc đẹp của em sẽ ở lại, chẳng tàn phai
Cả cái Chết cũng không kéo em đi mãi
Trong bài thơ vĩnh cửu, em sẽ mãi rạng ngời

Chừng nào người còn thở và mắt có thể trông
Còn bài thơ này và còn của em cuộc sống.


SONNET 18
William Shakespear - Dịch giả: Vũ Hoàng Linh

Đôi mắt người yêu tôi không giống mặt trời
San hô đỏ hơn sắc của đôi môi
Tuyết rất trắng sao ngực nàng nâu xám
Tóc của nàng chẳng lượn sóng xa xôi

Tôi đã thấy những hồng nhung, hồng bạch
Nhưng trên má nàng tôi không thấy những bông hồng
Tôi từng vui sướng khi hít những mùi thơm
Quyến rũ hơn hơi thở nàng nồng ấm

Tôi muốn nghe nàng nói, nhưng tôi vẫn thấy
Có tiếng nhạc thánh thót du dương hơn
Tôi chưa thấy nữ thần dạo bước trên mây
Nhưng người yêu tôi, nàng dẫm trên mặt đất

Nhưng dẫu thế, người yêu tôi quý giá
Hơn tất cả những cô nàng được sáo rỗng ngợi ca.

-- Nguồn: Ian Crofton (2013) Tóm lược các tư tưởng lớn: 200 khái niệm làm thay đổi thế giới được diễn giải tức thì, Quercus.
-- Toàn bộ kiến thức phổ thông được tập hợp tại http://cstmind.blogspot.com/p/kien.html
-- Nguồn ảnh: http://jaunethskinner.net/wp-content/uploads/2012/07/pelicana-4.jpg

1 nhận xét: