Thần linh là đấng tối cao được các tín đồ mặc nhiên công nhận đó là đấng tạo dựng và trị vì vũ trụ. Hầu hết các tôn giáo hoặc thờ một Thượng Đế duy nhất (độc thần giáo) hoặc thờ nhiều thần linh (đa thần giáo), nhưng một vài tôn giáo như Đạo Bụt (Phật giáo) và Đạo giáo thì không thờ thần linh nào cả.
Đa thần giáo thì có Ấn Độ giáo và các tôn giáo thuộc Hy Lạp và La Mã cổ đại, nhưng thậm chí các đền thờ thần linh của họ cũng có thứ bậc. Chẳng hạn trong Ấn Độ giáo, tinh thần tối cao và sự thật tối thượng là Brahman, ngài vận hành qua bộ ba Brahma (đấng tạo hóa), Vishnu (đấng bảo hộ), và Shiva (đấng hủy diệt); ngoài ra còn có nhiều thần linh khác, một số trong các vị đó là biểu hiện của những thần linh cấp cao hơn.
Độc thần giáo đầu tiên là Do Thái giáo; Thiên Chúa giáo và Hồi giáo - cả hai đều bắt nguồn ở Trung Đông - cùng theo truyền thống này. Trong Thiên Chúa Giáo, Thượng Đế có Ba Ngôi, là Cha, Con, và Thánh Thần. Trong các độc thần giáo, Thượng Đế được xem là đấng toàn năng, thông suốt mọi sự, và thương yêu mọi loài. Ngài tự bày tỏ qua các bản kinh của mình - như Kinh Thánh, Kinh Coran, và Ngũ Kinh.
Trong nhiều tôn giáo, Thượng Đế không chỉ tạo dựng vũ trụ, ngài còn tích cực tham dự vào đó. Quan điểm này được gọi là thuyết hữu thần (theism): người theo thuyết hữu thần tin rằng Thượng đế vừa siêu việt (tồn tại bên trên và cao hơn tạo tác của ngài, vượt thoát không gian và thời gian) vừa ở khắp mọi nơi (tích cực hiện diện và tham dự vào mọi tạo tác của ngài). Trái lại, thuyết thần giáo tự nhiên (deism) - được nhiều nhà tư tưởng duy lý thuộc thời Khai sáng ở thế kỷ mười tám thừa nhận - tin rằng Thượng Đế là khởi nguồn của vũ trụ, nhưng từ đó trở đi thì không can dự nữa.
Còn một quan điểm khác được tìm thấy trong thuyết phiếm thần (pantheism) cho rằng Thượng đế không siêu việt - ngài chỉ có thể được tìm thấy ở mọi vật trong vũ trụ, kể cả trong từng con người. Mặc dù thuyết phiếm thần được một số triết gia tán thành như Baruch Spinoza (1632–77) và các nhà thơ thời kỳ Lãng mạn như William Wordsworth, thuyết này chẳng được nhiều tôn giáo phương Tây chấp nhận.
-- Nguồn: Ian Crofton (2013) Tóm lược các tư tưởng lớn: 200 khái niệm làm thay đổi thế giới được diễn giải tức thì, Quercus.
-- Toàn bộ kiến thức phổ thông được tập hợp tại http://cstmind.blogspot.com/p/kien.html
-- Nguồn ảnh: http://harunyahya.com/image/call_for_unity_leaflet/quran_torah_bible.jpg
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét