Thứ Năm, 7 tháng 11, 2013

Kiến thức phổ thông: Nhân chủng học - Anthropology

Nhân chủng học nghĩa đen là "nghiên cứu nhân loại" và vì vậy có phạm vi rất rộng, bao gồm khảo cổ học và ngôn ngữ học cũng như nhân học thể chất và xã hội (hay văn hóa). Như vậy nó có thể kết hợp các ngành khoa học vật lý cùng khoa học nhân văn cũng như khoa học xã hội. Khi nhân chủng học hiện đại đầu tiên xuất hiện vào thế kỷ mười chín, tất cả các chủ đề này được nghiên cứu cùng nhau, nhưng ngày nay nhiều chuyên ngành nhân chủng học ở nhiều trường đại học hoàn toàn tách biệt và được nghiên cứu ở những bộ môn khác nhau, hay thậm chí ở các khoa khác nhau.

Nhân học thể chất - nghiên cứu nguồn gốc, quá trình tiến hóa, và tính đa dạng thể chất của con người - hiện nay được xem là một chuyên ngành của sinh học người. Chuyên ngành này có thể nhờ đến khảo cổ học, di truyền học, và phong tục học (nghiên cứu hành vi động vật), cũng như xem xét sự tương tác của sinh học người với môi trường và văn hóa xã hội - những thứ phân biệt con người với các động vật khác. Một số công trình trước đây của những nhà nhân chủng học về so sánh các "chủng tộc" người dùng các kỹ thuật như đo hộp sọ ngày nay đã gây tai tiếng, tạo ra vết nhơ do nạn phân biệt chủng tộc khoa học giả tạo.

Nhân học xã hội liên quan đến cấu trúc văn hóa xã hội của các nhóm người. Khi chuyên ngành này được phát triển ở thế kỷ mười chín và đầu thế kỷ hai mươi, người ta tập trung vào các xã hội "nguyên thủy", tiền công nghiệp, nhưng những thập niên gần đây các nhà nhân chủng học đã nghiên cứu bổ sung xã hội công nghiệp hiện đại.

Việc so sánh một cách hệ thống các văn hóa khác nhau gọi là phong tục học, trong khi dân tộc học là nghiên cứu một xã hội hay văn hóa cụ thể. Phong tục học thường được nghiên cứu bằng phương pháp quan sát - tham gia, nhà nhân chủng học có thể thâm nhập vào văn hóa mà họ quan tâm trong những khoảng thời gian dài. Các vấn đề được nhà nhân học xã hội quan tâm - ở khía cạnh dân tộc học cũng như lý thuyết - là quan hệ họ hàng, quan hệ giới tính, nuôi dạy trẻ, phong tục - nghi lễ, huyền thoại - tôn giáo, tiêu thụ - trao đổi, vui chơi - lễ hội, và các sản phẩm văn hóa vật liệu như công cụ, thực phẩm, và trang phục.

-- Nguồn: Ian Crofton (2013) Tóm lược các tư tưởng lớn: 200 khái niệm làm thay đổi thế giới được diễn giải tức thì, Quercus.
-- Toàn bộ kiến thức phổ thông được tập hợp tại http://cstmind.blogspot.com/p/kien.html
-- Nguồn ảnh: http://hannahc12.files.wordpress.com/2010/05/evolution1.jpeg

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét