Thứ Bảy, 19 tháng 7, 2014

Kinh tế học căn bản: Khi nào và tại sao các nhà kinh tế bất đồng

KINH TẾ HỌC CĂN BẢN

CHƯƠNG 2: CÁC MÔ HÌNH KINH TẾ: TƯƠNG NHƯỢNG VÀ THƯƠNG MẠI (TIẾP THEO)

KHI NÀO VÀ TẠI SAO CÁC NHÀ KINH TẾ BẤT ĐỒNG

Các nhà kinh tế nổi tiếng về chuyện tranh luận với nhau. Sự nổi tiếng này từ đâu mà ra, và biện minh được không?

Một giải đáp quan trọng là truyền thông có khuynh hướng phóng đại những khác biệt quan điểm có thực tế của các nhà kinh tế. Nếu gần như mọi nhà kinh tế đều đồng thuận về một vấn đề - chẳng hạn tuyên bố cho rằng việc kiểm soát mức giá cho thuê sẽ đưa đến tình trạng thiếu nhà ở - thì các phóng viên và ban biên tập có thể kết luận rằng đó không phải là chuyện đáng đưa lên mặt báo, khiến sự đồng thuận giữa các chuyên gia không được biết đến. Nhưng vấn đề nào mà các nhà kinh tế nổi tiếng bất đồng - chẳng hạn việc cắt giảm thuế ngay lập tức sẽ giúp phát triển nền kinh tế - lại là vấn đề đáng để đưa lên. Vì thế bạn nghe rất nhiều về những bất đồng trong kinh tế học hơn là các đồng thuận.

Cũng cần nhớ rằng kinh tế thường gắn liền với chính trị. Trên một số vấn đề, các nhóm lợi ích có quyền biết rõ ý kiến nào mà họ muốn nghe; vì thế họ muốn đi tìm và đề cao nhà kinh tế nào bày tỏ các ý kiến đó, làm cho những nhà kinh tế này nổi tiếng hơn các đồng nghiệp khác.

Trong khi xảy ra bất đồng trong các nhà kinh tế nhiều hơn thực tế, sự thật là các nhà kinh tế thường xuyên bất đồng về những vấn đề quan trọng. Chẳng hạn, một số nhà kinh tế có uy tín tranh luận dữ dội rằng chính phủ Hoa kỳ cần thay thuế thu nhập bằng thuế giá trị gia tăng (value-added tax, một loại thuế mua bán ở cấp quốc gia, là nguồn thu chính của chính phủ ở nhiều nước Âu châu). Các nhà kinh tế có uy tín khác lại không đồng ý. Tại sao lại có ý kiến khác biệt này?

Một nguyên nhân quan trọng về sự khác biệt nằm ở các giá trị: như trong bất kỳ nhóm đa thành phần, người có lý có thể khác biệt. So với thuế thu nhập, thuế giá trị gia tăng thường khiến người có thu nhập trung bình phải gánh chịu nhiều hơn. Vì vậy nhà kinh tế nào đánh giá cao giá trị xã hội và bình đẳng thu nhập sẽ có khuynh hướng phản đối thuế giá trị gia tăng. Nhà kinh tế nào có quan điểm khác thì có thể ít phản đối hơn.

Nguyên nhân quan trọng thứ hai về sự khác biệt nảy sinh từ mô hình kinh tế. Do nhà kinh tế đưa ra kết luận dựa trên mô hình, vốn là biểu diễn đơn giản hóa của thực tại, hai nhà kinh tế có thể bất đồng một cách hợp lý về những đơn giản hóa nào là thích hợp - và vì thế họ đi đến các kết luận khác nhau.

Giả sử chính phủ Hoa Kỳ đang xem xét việc áp dụng thuế giá trị gia tăng. Nhà kinh tế A có thể dựa trên mô hình tập trung vào chi phí quản lý của hệ thống thuế - tức chi phí giám sát, xử lý giấy tờ, thu thuế, ... Sau đó nhà kinh tế này chỉ ra những chi phí cao khi quản lý thuế giá trị gia tăng và do đó phản đối ý định thay đổi. Nhưng nhà kinh tế B có thể nghĩ rằng cách tiếp cận đúng vấn đề là phải bỏ qua chi phí quản lý và tập trung vào sự thay đổi hành vi tiết kiệm. Nhà kinh tế này có thể đưa ra các nghiên cứu cho thấy thuế giá trị gia tăng khuyến khích người tiêu dùng tiết kiệm nhiều hơn, và đây là điều đáng ao ước.

Do các nhà kinh tế dùng những mô hình khác nhau - tức dùng các giả định đơn giản hóa khác nhau - nên họ đi đến các kết luận khác nhau. Và vì thế hai nhà kinh tế có thể tự thấy rằng họ ở hai phía khác nhau.

Hầu hết các trường hợp xung đột đó cuối cùng được giải quyết bằng cách tích lũy bằng chứng cho thấy mô hình nào khớp với dữ kiện thực tế tốt hơn. Tuy nhiên, trong kinh tế học, cũng như bất kỳ ngành khoa học khác, có thể phải mất nhiều thời gian để giải quyết những bất đồng quan trọng - trong nhiều trường hợp phải mất hàng thập niên. Và vì nền kinh tế luôn luôn thay đổi, theo những cách làm các mô hình cũ không còn giá trị, hay nảy sinh những vấn đề chính sách mới, lúc nào cũng có các vấn đề mới khiến nhà kinh tế bất đồng. Vì thế người làm chính sách buộc phải quyết định nên tin nhà kinh tế nào.

Điểm quan trọng là phân tích kinh tế là một phương pháp, không phải là tập hợp các kết luận.

(Còn tiếp)


-- Nguồn: Paul Krugman (Nobel kinh tế 2008), Robin Wells, Kathryn Graddy (2014) Kinh tế học căn bản, xuất bản lần ba.
-- Bài được tập hợp tại Kinh tế học căn bản

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét