Thứ Ba, 8 tháng 7, 2014

Kinh tế học căn bản: Lợi thế so sánh và thương mại quốc tế trong thực tế

KINH TẾ HỌC CĂN BẢN

CHƯƠNG 2: CÁC MÔ HÌNH KINH TẾ: TƯƠNG NHƯỢNG VÀ THƯƠNG MẠI (TIẾP THEO)

LỢI THẾ SO SÁNH VÀ THƯƠNG MẠI QUỐC TẾ TRONG THỰC TẾ

Hãy nhìn vào nhãn hiệu một hàng hóa được bán ở Hoa Kỳ, rất có thể bạn sẽ thấy rằng hàng hóa đó được sản xuất ở một nước khác - Trung Quốc, Nhật Bản, hay thậm chí Canada. Mặt khác, nhiều ngành công nghiệp Hoa kỳ bán một lượng lớn sản phẩm của họ ra nước ngoài. (Đặc biệt là sản phẩm nông nghiệp, công nghệ cao, và giải trí.)

Có nên tán thưởng sự trao đổi quốc tế hàng hóa và dịch vụ này, hay đó là một quan ngại? Các chính trị gia và công chúng thường chất vấn về thương mại quốc tế, cho rằng quốc gia cần tự sản xuất hàng hóa thay vì mua từ nước ngoài. Các ngành công nghiệp trên toàn thế giới yêu cầu phải được bảo vệ trước cạnh tranh từ nước ngoài: nông dân Nhật muốn ngăn nhập khẩu gạo từ Mỹ, công nhân Mỹ muốn ngăn nhập khẩu thép từ Âu Châu. Và những đòi hỏi này thường được công luận ủng hộ.

Tuy nhiên, các nhà kinh tế có quan điểm hết sức tích cực về thương mại quốc tế. Tại sao? Vì họ nhìn điều đó dưới góc độ lợi thế so sánh. Như đã được học từ ví dụ máy bay lớn của Hoa Kỳ và máy bay nhỏ của Brazil, thương mại quốc tế đem lại lợi ích cho cả hai. Mỗi nước có thể tiêu thụ nhiều hơn là không thương mại và tự cung tự cấp. Hơn nữa, các lợi ích tương hỗ này không phụ thuộc chuyện nước này giỏi hơn nước kia về sản xuất một hàng hóa nào đó. Chẳng hạn, thậm chí nếu công nhân một nước có năng suất cao hơn ở cả hai ngành công nghiệp - lợi ích thương mại vẫn xảy ra. Phần So sánh Toàn cầu tới đây, nhằm diễn giải hình mẫu sản xuất quần áo của nền kinh tế toàn cầu, sẽ minh họa luận điểm này.

(Còn tiếp)

-- Nguồn: Paul Krugman (Nobel kinh tế 2008), Robin Wells, Kathryn Graddy (2014) Kinh tế học căn bản, xuất bản lần ba.
-- Bài được tập hợp tại Kinh tế học căn bản

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét