Thứ Năm, 17 tháng 7, 2014

Kinh tế học căn bản: Kinh tế học thực chứng so với kinh tế học chuẩn tắc

KINH TẾ HỌC CĂN BẢN

CHƯƠNG 2: CÁC MÔ HÌNH KINH TẾ: TƯƠNG NHƯỢNG VÀ THƯƠNG MẠI (TIẾP THEO)

KINH TẾ HỌC THỰC CHỨNG SO VỚI KINH TẾ HỌC CHUẨN TẮC

Hãy hình dung bạn làm cố vấn cho chủ tịch tỉnh hay thành phố. Những loại câu hỏi nào vị chủ tịch muốn bạn trả lời?

Đây là ba câu hỏi khả dĩ:

1. Năm sau các trạm thu phí trên địa bàn sẽ đạt doanh thu bao nhiêu?

2. Doanh thu sẽ tăng bao nhiêu nếu phí tăng từ 20 ngàn lên 30 ngàn?

3. Phí có nên tăng hay không, biết rằng phí tăng sẽ giảm mật độ lưu thông và ô nhiễm không khí trên đường nhưng sẽ gây khó khăn tài chính cho người thường xuyên đi lại?

Hai câu hỏi đầu rất khác câu hỏi thứ ba. Hai câu hỏi đầu hỏi về dữ kiện. Dự báo của bạn về doanh thu năm sau của phí giao thông sẽ được chứng minh là đúng hay sai khi có được số liệu thực tế. Ước lượng về tác động của việc thay đổi mức phí thì khó kiểm tra hơn - bên cạnh mức thu phí, doanh thu còn phụ thuộc vào những nhân tố khác, và có thể khó tách bạch các nguyên nhân khiến doanh số thay đổi. Hơn nữa, trên nguyên tắc thì chỉ có một đáp án.

Nhưng câu hỏi liệu có nên tăng phí hay không có thể không có câu trả lời "đúng" - hai người đồng thuận về tác động của việc tăng phí vẫn có thể bất đồng việc có nên tăng phí hay không. Chẳng hạn, người sống gần trạm thu phí nhưng không đi lại thường xuyên thì quan tâm nhiều đến tiếng ồn và ô nhiễm không khí nhưng không quan tâm nhiều đến phí giao thông. Một người đi lại thường xuyên nhưng không sống gần trạm thu phí sẽ có những mối bận tâm trái ngược.

Ví dụ này minh họa sự khác biệt chính giữa hai vai trò phân tích kinh tế. Phân tích nào cố gắng trả lời những câu hỏi về cách thế giới vận hành, vốn có câu trả lời đúng sai rõ ràng, được gọi là kinh tế học thực chứng (positive economics). Trái lại, phân tích nào bao hàm việc tuyên bố thế giới cần vận hành ra sao được gọi là kinh tế học chuẩn tắc (normative economics). Nói cách khác, kinh tế học thực chứng có tính mô tả; còn kinh tế học chuẩn tắc có tính kê đơn.

Kinh tế học thực chứng choán hầu hết thời gian và nỗ lực của nghề kinh tế. Đồng thời mô hình đóng vai trò cực kỳ quan trọng hầu như trong mọi ngành kinh tế học thực chứng. Như đã đề cập trước đây, chính phủ Hoa Kỳ dùng mô hình máy tính để đánh giá những đề xuất thay đổi trong chính sách thuế quốc gia, và nhiều chính quyền bang có mô hình tương tự để đánh giá tác động của chính sách thuế của chính họ.

Cần chú ý rằng có sự khác biệt tinh tế nhưng quan trọng giữa câu hỏi thứ nhất và thứ hai mà ta hình dung là vị chủ tịch sẽ hỏi. Câu hỏi 1 yêu cầu có một dự đoán đơn giản về doanh thu năm sau - tức dự báo (forecast). Câu hỏi 2 thuộc dạng "nếu ... thì sao?", yêu cầu cho biết doanh thu sẽ thay đổi ra sao nếu luật thuế thay đổi. Nhà kinh tế thường được vời đến để trả lời cả hai loại câu hỏi, nhưng mô hình rất hữu ích cho việc trả lời những câu hỏi thuộc dạng "nếu ... thì sao?"

Trả lời các câu hỏi đó thường phục vụ như một hướng dẫn cho chính sách, nhưng chúng vẫn là dự báo, không phải kê đơn. Nghĩa là chúng cho bạn biết điều gì sẽ xảy nếu một chính sách thay đổi; chúng không cho bạn biết liệu kết quả có tốt hay không. Giả sử mô hình kinh tế cho bạn biết rằng việc tăng phí giao thông sẽ tăng giá trị tài sản trong cộng đồng sống gần đường nhưng sẽ gây tổn hại cho người đi làm phải đi qua trạm thu phí. Vậy đề xuất tăng phí là ý tưởng tốt hay tệ? Nó phụ thuộc vào đối tượng bạn hỏi. Như ta vừa thấy, ai quan tâm đến cộng đồng sống gần đường sẽ ủng hộ việc tăng, còn ai quan tâm đến phúc lợi của người tham gia giao thông sẽ cảm thấy khác. Đó là một đánh giá chủ quan - đó không phải là câu hỏi phân tích kinh tế.

Hơn nữa, nhà kinh tế thường can dự vào kinh tế học chuẩn tắc và đưa ra lời khuyên về chính sách. Làm sao họ có thể làm được khi có thể không có câu trả lời "đúng"?

Trả lời rằng nhà kinh tế còn là công dân, và tất cả chúng ta đều có ý kiến của mình. Nhưng phân tích kinh tế thường có thể được dùng để chỉ ra một số chính sách rõ ràng tốt hơn những chính sách khác, bất chấp ý kiến của bất kỳ ai.

Giả sử rằng chính sách A và B đều đạt cùng mục tiêu, nhưng chính sách A làm mọi người khấm khá hơn chính sách B - hay ít ra là làm một số người khấm khá hơn mà không làm người khác bị thiệt. Thì chính sách A rõ ràng hiệu quả hơn B. Đó không phải là đánh giá chủ quan: ta đang bàn về việc làm thế nào đạt được mục tiêu tốt nhất, chứ không bàn về bản thân mục tiêu đó.

Chẳng hạn, hai chính sách khác nhau đã được dùng để giúp các gia đình thu nhập thấp có nhà: kiểm soát giá thuê, tức hạn chế tiền cho thuê mà chủ nhà được phép thu, và trợ giá thuê nhà, tức hỗ trợ một phần tiền thuê nhà cho các gia đình. Hầu hết mọi nhà kinh tế đều đồng thuận rằng trợ giá là chính sách hiệu quả hơn. Và vì vậy đa số nhà kinh tế, bất chấp quan điểm chính trị, đều thiên về trợ giá so với kiểm soát giá thuê.

Khi các chính sách có thể được sắp hạng rõ ràng theo cách này, thì nhà kinh tế nói chung đồng thuận. Nhưng sẽ chẳng có gì bí mật nếu các nhà kinh tế đôi khi bất đồng.

(Còn tiếp)

-- Nguồn: Paul Krugman (Nobel kinh tế 2008), Robin Wells, Kathryn Graddy (2014) Kinh tế học căn bản, xuất bản lần ba.
-- Bài được tập hợp tại Kinh tế học căn bản

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét