Thứ Bảy, 5 tháng 7, 2014

Kinh tế học căn bản: Lợi thế so sánh và lợi ích từ thương mại

CHƯƠNG 2: CÁC MÔ HÌNH KINH TẾ: TƯƠNG NHƯỢNG VÀ THƯƠNG MẠI (TIẾP THEO)

LỢI THẾ SO SÁNH VÀ LỢI ÍCH TỪ THƯƠNG MẠI

Trong 12 nguyên tắc kinh tế được trình bày ở Chương 1, nguyên tắc có lợi từ thương mại - tức lợi ích tương hỗ mà cá nhân có thể đạt được nhờ chuyên hóa trong việc sản xuất những thứ khác nhau và trao đổi với nhau. Minh họa thứ hai về một mô hình kinh tế là mô hình đặc biệt hữu ích về lợi ích từ thương mại - thương mại dựa trên lợi thế so sánh.

Một trong những tuệ giác quan trọng nhất của kinh tế học là có lợi từ thương mại - sẽ hợp lý khi sản xuất những thứ mà bạn đặc biệt giỏi và mua từ người khác những thứ mà bạn không giỏi sản xuất. Điều này sẽ đúng ngay cả khi bạn có thể tự mình sản xuất được mọi thứ: ngay cả khi bác sĩ phẫu thuật não tài giỏi có thể tự mình sửa vòi nước bị rò, rất có thể sẽ tốt hơn nếu gọi thợ sửa ống nước chuyên nghiệp.

Làm sao ta có thể mô hình lợi ích từ thương mại? Hãy tiếp tục bằng ví dụ máy bay và một lần nữa tưởng tượng rằng Hoa Kỳ là nền kinh tế một công ty và mọi người cùng làm việc cho Boeing để sản xuất máy bay. Tuy nhiên, giờ đây ta giả định rằng Hoa Kỳ có khả năng thương mại với Brazil - một nền kinh tế một công ty khác, ở đó mọi  người làm việc cho công ty máy bay Embraer của Brazil. Ở ngoài đời, Embraer là nhà sản xuất máy bay nhỏ rất thành công. (Nếu bạn bay từ một thành phố lớn sang một thành phố lớn khác ở Hoa Kỳ, rất có thể máy bay của bạn là Boeing, nhưng nếu bạn bay đến một thành phố nhỏ, rất có thể máy bay của bạn là Embraer.)

Trong ví dụ của ta, chỉ có hai hàng hóa được sản xuất là máy bay lớn và máy bay nhỏ. Cả hai nước đều có thể sản xuất cả hai loại máy bay. Nhưng trong chốc lát ta sẽ thấy rằng họ có thể thu lợi bằng việc sản xuất những thứ khác nhau và trao đổi với nhau. Vì mục đích của ví dụ này, ta hãy trở về trường hợp đường biên khả năng sản xuất là một đường thẳng. Khả năng sản xuất của Hoa Kỳ được biểu diễn bởi đường biên khả năng sản xuất ở phần (a) Hình 2-4, tương tự với đường biên khả năng sản xuất ở Hình 2-1. Theo sơ đồ này, Hoa Kỳ có thể sản xuất 40 máy bay nhỏ nếu họ không sản xuất máy bay lớn nào và có thể sản xuất 30 máy bay lớn nếu họ không sản xuất máy bay nhỏ nào. Nhắc lại rằng điều này nghĩa là độ dốc của đường biên khả năng sản xuất của Hoa Kỳ sẽ bằng 3/4: Chi phí cơ hội của một máy bay nhỏ bằng 3/4 máy bay lớn.

Hình 2-4: Khả năng sản xuất của hai quốc gia

Phần (b) Hình 2-4 trình bày khả năng sản xuất của Brazil. Như Hoa Kỳ, đường biên khả năng sản xuất của Brazil là một đường thẳng, ngụ ý là chi phí cơ hội của một máy bay nhỏ theo máy bay lớn là hằng số. Đường biên khả năng sản xuất của Brazil có độ dốc hằng là -1/3. Brazil không thể sản xuất nhiều bằng Hoa Kỳ: tối đa họ chỉ có thể sản xuất 30 máy bay nhỏ hay 10 máy bay lớn. Nhưng Brazil sản xuất máy bay nhỏ khá hơn Hoa Kỳ; trong khi Hoa Kỳ phải hy sinh 3/4 máy bay lớn cho mỗi máy bay nhỏ, chi phí cơ hội của một máy bay nhỏ ở Brazil chỉ bằng 1/3 máy bay lớn. Bảng 2-1 tổng kết chi phí cơ hội của máy bay nhỏ và máy bay lớn ở hai quốc gia.

Bảng 2-1: Chi phí cơ hội của máy bay nhỏ và máy bay lớn ở Hoa Kỳ và Brazil

Bây giờ, Hoa Kỳ và Brazil từng nước đã có thể quyết định tự sản xuất cả máy bay nhỏ và lớn, không cần thương mại và chỉ tiêu thụ sản phẩm trong nước. Ta hãy giả định rằng hai nước bắt đầu theo cách này và tiêu thụ theo Hình 2-4: khi không có thương mại, Hoa Kỳ sản xuất và tiêu thụ 16 máy bay nhỏ cùng 18 máy bay lớn mỗi năm, trong khi Brazil sản xuất và tiêu thụ 6 máy bay nhỏ và 8 máy bay lớn mỗi năm.

Nhưng liệu đây là phương án tốt nhất mà cả hai nước có thể làm? Không phải vậy. Với dữ liệu đã cho là hai nhà sản xuất - và vì thế hai quốc gia - có chi phí cơ hội khác nhau, Hoa Kỳ và Brazil có thể thỏa thuận để cả hai được khấm khá hơn.

Bảng 2-2 thể hiện một thỏa thuận đó: Hoa Kỳ chuyên sản xuất máy bay lớn, cho ra 30 chiếc một năm, và bán 10 chiếc cho Brazil. Trong khi đó, Brazil chuyên sản xuất máy bay nhỏ, cho ra 30 chiếc một năm và bán 20 chiếc cho Hoa Kỳ. Kết quả được trình bày ở Hình 2-5. Giờ đây Hoa Kỳ tiêu thụ cả máy bay nhỏ và lớn nhiều hơn trước đây: thay vì 16 chiếc nhỏ và 18 chiếc lớn, bây giờ họ tiêu thụ 20 chiếc nhỏ và 20 chiếc lớn. Brazil cũng tiêu thụ nhiều hơn, từ 6 chiếc nhỏ và 8 chiếc lớn sang 10 chiếc nhỏ và 10 chiếc lớn. Bảng 2-2 còn cho thấy cả Hoa Kỳ và Brazil đều thu lợi từ thương mại, tiêu thụ cả hai loại máy bay nhiều hơn thời điểm không có thương mại.

Bảng 2-2: Cách để Hoa Kỳ và Brazil có lợi từ thương mại

Hình 2-5: Lợi thế cạnh tranh và lợi ích từ thương mại

Cả hai nước đều khấm khá hơn nếu mỗi nước chuyên vào lĩnh vực mà họ giỏi rồi thương mại. Thật là ý tưởng hay nếu Hoa Kỳ chuyên sản xuất máy bay lớn vì chi phí cơ hội của máy bay lớn bên họ thấp hơn Brazil: 4/3 < 3. Về phía kia, Brazil nên chuyên sản xuất máy bay nhỏ vì chi phí cơ hội của máy bay nhỏ bên họ thấp hơn Hoa Kỳ: 1/3 < 3.

Điều ta có thể nói trong trường hợp này là Hoa Kỳ có lợi thế so sánh trong sản xuất máy bay lớn và Brazil có lợi thế so sánh trong sản xuất máy bay nhỏ. Một nước có lợi thế so sánh (comparative advantage) trong sản xuất thứ gì nếu chi phí cơ hội của sản xuất thứ đó thấp hơn các nước khác. Khái niệm đó áp dụng cho cả công ty và con người: một công ty hay một cá nhân có lợi thế so sánh trong sản xuất thứ gì nếu chi phí cơ hội của sản xuất thứ đó của họ thấp hơn các nơi khác.

Một điểm cần làm rõ trước khi ta đi tiếp. Bạn đã có thể tự hỏi vì sao Hoa Kỳ lại đổi 10 máy bay lớn cho Brazil để nhận về 20 máy bay nhỏ. Tại sao không phải là thỏa thuận khác, chẳng hạn đổi 10 chiếc lớn lấy 12 chiếc nhỏ? Câu trả lời cho câu hỏi này gồm hai phần. Thứ nhất, thật ra thì có những cách thương mại khác mà Hoa Kỳ và Brazil có thể đồng ý. Thứ hai, có những thỏa thuận mà ta có thể loại trừ ngay - chẳng hạn đổi 10 chiếc lớn lấy 10 chiếc nhỏ.

Để hiểu lý do tại sao, hãy xem lại Bảng 2-1 và trước tiên xét Hoa Kỳ. Nếu không thương mại với Brazil, chi phí cơ hội của một máy bay nhỏ ở Hoa Kỳ là 3/4 máy bay lớn. Như vậy rõ ràng là Hoa Kỳ sẽ không chấp nhận thương mại nào khiến họ phải hy sinh nhiều hơn 3/4 máy bay lớn để được một máy bay nhỏ. Việc đổi 10 chiếc lớn để lấy 12 chiếc nhỏ đòi hỏi Hoa Kỳ phải trả chi phí cơ hội là 10/12 = 5/6 máy bay lớn để được một máy bay nhỏ. Vì 5/6 > 3/4, đây là thỏa thuận mà Hoa Kỳ sẽ từ chối. Tương tự, Brazil sẽ không chấp nhận thương mại nào khiến họ nhận ít hơn 1/3 máy bay lớn cho một máy bay nhỏ.

Điểm cần nhớ là Hoa Kỳ và Brazil chỉ muốn thương mại nếu "giá" hàng hóa mà mỗi nước nhận được khi thương mại sẽ thấp hơn chi phí cơ hội của việc sản xuất hàng hóa đó trong nước. Hơn nữa, khẳng định tổng quát này luôn luôn đúng khi hai bên - quốc gia, công ty, hay cá nhân - tự nguyện thương mại.

Trong khi câu chuyện của ta rõ ràng đã đơn giản hóa thực tế, câu chuyện này dạy ta một số bài học hết sức quan trọng để áp dụng vào nền kinh tế thực tế.

Thứ nhất, mô hình minh họa rõ ràng về lợi ích từ thương mại: qua chuyên hóa và thương mại: hai nước đều sản xuất nhiều hơn và tiêu thụ nhiều hơn so với trường hợp tự cung tự cấp.

Thứ hai, mô hình minh họa một điểm hết sức quan trọng thường bị xem nhẹ khi lập luận trong thực tế: mỗi nước có một lợi thế so sánh trong việc sản xuất điều gì đó. Điểm này áp dụng cho cả công ty lẫn con người: mọi người đều có lợi thế so sánh trong điều gì đó, và mọi người đều có bất lợi so sánh trong điều gì đó.

Quan trọng là trong ví dụ của ta, sẽ không thành vấn đề, ngay cả trong thực tế, nếu công nhân Hoa Kỳ giỏi bằng hay thậm chí giỏi hơn công nhân Brazil về sản xuất máy bay nhỏ. Giả sử công nhân Hoa Kỳ giỏi hơn công nhân Brazil về sản xuất máy bay lớn lẫn nhỏ: trong một giờ, một công nhân Hoa Kỳ có thể sản xuất máy bay lớn lẫn nhỏ nhiều hơn một công nhân Brazil. Bạn có xu hướng nghĩ rằng trong trường hợp đó Hoa Kỳ chẳng có lợi gì từ thương mại với Brazil kém năng suất hơn.

Nhưng chúng ta vừa thấy rằng thật ra Hoa Kỳ có thể hưởng lợi từ thương mại với Brazil vì lợi thế so sánh, chứ không phải lợi thế tuyệt đối, là cơ sở của lợi ích tương hỗ. Sẽ không thành vấn đề cho dù Brazil phải tiêu tốn nhiều tài nguyên hơn Hoa Kỳ khi sản xuất một máy bay nhỏ; điều quan trọng đối với thương mại cho Brazil là chi phí cơ hội của một máy bay nhỏ thì thấp hơn chi phí cơ hội ở Hoa Kỳ. Vì vậy cho dù bị bất lợi tuyệt đối, Brazil có lợi thế so sánh khi sản xuất máy bay nhỏ. Trong khi đó, Hoa Kỳ, vốn có thể dùng tài nguyên một cách hiệu quả nhất qua sản xuất máy bay lớn, lại có bất lợi so sánh khi sản xuất máy bay nhỏ.

(Còn tiếp)

-- Nguồn: Paul Krugman (Nobel kinh tế 2008), Robin Wells, Kathryn Graddy (2014) Kinh tế học căn bản, tái bản lần ba.
-- Bài được tập hợp tại Kinh tế học căn bản

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét