Thứ Năm, 11 tháng 2, 2016

Phát triển HTTT kế toán bằng MS Access - Chương 2 - Mô hình tài nguyên, biến cố, tác nhân (REA)

James Perry, Richard Newmark


Chương 2
Cơ sở dữ liệu và hệ thống kế toán


Mô hình tài nguyên, biến cố, tác nhân (REA)


William McCarthy dựa trên nguyên tắc lý thuyết cơ sở dữ liệu quan hệ của E. F. Codd và nguyên tắc mô hình thực thể - quan hệ của Peter Chen để tạo ra một phương pháp mô hình được thiết kế đặc biệt cho hệ thống kế toán. Vào cuối những năm 1970, McCarthy đã đề xuất một hệ thống phân loại thực thể, cho phép kế toán viên dùng cơ sở dữ liệu quan hệ để xử lý hiệu quả thông tin kế toán.

Phương pháp của McCarthy, gọi là mô hình REA (Resources – Tài nguyên, Events – Biến cố, Agents – Tác nhân), cung cấp các phân loại thực thể để kế toán viên có thể sử dụng trong hệ thống kế toán. Trong mô hình REA, tài nguyên là tài sản chẳng hạn tiền, kho hàng, và tài sản cố định. Biến cố là các giao dịch hay những sự kiện có tác động về mặt kế toán, gồm những thứ như mua bán. Biến cố còn có thể là các sự kiện tế nhị hơn, chẳng hạn thời gian trôi qua làm cho lãi dồn tích vào một khoản vay hay phát sinh khấu hao tài sản cố định. Tác nhân là con người hay tổ chức tương tác với tài nguyên và biến cố. Những thực thể tác nhân thường thấy trong hệ thống kế toán là khách hàng, nhà cung cấp, và nhân viên.

Mô hình REA là công cụ mạnh, cung cấp tính nhất quán giữa các mô hình cơ sở dữ liệu. Tính nhất quán này khiến dễ dàng mở rộng cơ sở dữ liệu hiện có và tích hợp nhiều cơ sở dữ liệu đã được thiết kế bằng mô hình REA. Chương 7 cung cấp một tổng quan toàn diện về mô hình REA và các chương tiếp theo đi sâu vào việc dùng mô hình REA để xây dựng cơ sở dữ liệu cho từng qui trình kinh doanh cụ thể.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét