Thứ Hai, 9 tháng 6, 2014

Kiến thức phổ thông: Hiện tượng học - Phenomenology

HIỆN TƯỢNG HỌC - PHENOMENOLOGY

Hiện tượng học là một tiếp cận triết học nhằm nghiên cức các hiện tượng như đối tượng của nhận thức, thay vì đó là những sự kiện hiện hữu độc lập. Các lý thuyết về hiện hữu và nhân quả bị gạt đi để nhường chỗ cho những nghiên cứu về cách mà con người tư duy và diễn giải thế giới.

Hiện tượng học được triết gia Đức Edmund Husserl (1859–1938) thành lập vào đầu thế kỷ hai mươi. Husserl tìm cách nghiên cứu các cấu trúc của ý thức, và các hiện tượng phát sinh trong ý thức, ông tin rằng phương pháp này có thể tạo nên một nền tảng vững chắc cho mọi tri thức của con người, kể cả tri thức khoa học. Sau đó hiện tượng học đã trở thành một bộ phận quan trọng trong triết học thế kỷ hai mươi, đặc biệt ở Đức và Pháp. Ý tưởng của Husserl đã được phát triển hơn nữa và bị chỉ trích bởi nhiều triết gia cũng như nhà xã hội học, kể cả các triết gia theo thuyết hiện sinh như Martin Heidegger và Jean-Paul Sartre.

Hiện tượng học có thể được xem là một kiểu chủ nghĩa duy tâm. Người theo thuyết hiện tượng học cho rằng có hai kiểu tri thức, trực tiếp và gián tiếp. Ta biết những điều cơ bản, tức các tính chất phổ quát như "xanh da trời" hay "hình cầu", một cách trực tiếp. Ta có thể lĩnh hội toàn bộ những điều cơ bản đó thông qua một hoạt động trong não đơn nhất. Nhưng ta chỉ biết được các đối tượng nhận thức (chẳng hạn một trái banh màu xanh da trời) một cách gián tiếp, thông qua "các phương diện" của chúng. Chẳng hạn, tại một thời điểm ta chỉ có thể thấy một nửa trái banh, và chẳng hạn nếu ánh sáng đến từ một phía, thì sẽ có hình bóng khiến trái banh được tạo nên từ nhiều sắc thái xanh da trời khác nhau. Dạng hiểu biết này là tri thức gián tiếp.

Trái lại, các hoạt động trong não, chẳng hạn việc thấy một trái banh màu xanh da trời hay ký ức về một bữa ăn ngon, được ta biết trên toàn thể, không có phương diện. Như vậy ý thức và các đối tượng của thế giới ý thức - giống như những điều cơ bản nhưng không giống các đối tượng nhận thức - được biết một cách trực tiếp. Vì thế các nhà hiện tượng học nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc nghiên cứu những điều cơ bản trong hoạt động não bộ của ta, gạt đi tính thực nghiệm của khoa học.


-- Hình: http://backstageat.com/wp-content/uploads/2010/01/BackstageAT-Daphne-Guinness-Phenomenology-of-Body-%C2%A9-Kevin-Tachman-2008-48-900x599.jpg
-- Nguồn: Ian Crofton (2013) Tóm lược các tư tưởng lớn: 200 khái niệm làm thay đổi thế giới được diễn giải tức thì, Quercus.
-- Bài được tập hợp tại Kiến thức phổ thông

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét