NĂNG SUẤT: THẮNG TRẬN NHƯNG THUA CẢ CUỘC CHIẾN
Lần tới khi bạn nghe ai nói về năng suất, hãy để ý xem người đó có dùng thuật ngữ "biến động nhân sự" hay không. Có thể là không. Nhiều năm nghe thảo luận về năng suất và đọc hàng trăm bài về nó, chúng tôi chưa từng nghe một chuyên gia nào bàn đến chủ đề liên quan, đó là biến động nhân sự. Hãy xét một số biện pháp các tổ chức thường áp dụng để tăng năng suất:
* Gây áp lực nhân viên để họ làm nhiều giờ hơn.
* Cơ học hóa qui trình phát triển sản phẩm.
* Thỏa hiệp với chất lượng sản phẩm.
* Chuẩn hóa các thủ tục.
Biện pháp nào ở trên cũng có thể khiến nhân viên giảm hứng thú. Như vậy, qui trình tăng năng suất có thể khiến nhân viên đi tìm một công việc hứng thú hơn ở nơi khác. Điều đó không có nghĩa là bạn không thể tăng năng suất nếu không trả giá cho việc biến động nhân sự. Nó chỉ ngụ ý rằng bạn cần quan tâm đến biến động nhân sự khi có kế hoạch tăng năng suất. Nếu không, bạn có thể "cải thiện" bằng cách đánh mất các nhân viên chủ chốt của bạn.
Hầu hết tổ chức đều không thống kê tình hình biến động nhân sự. Hầu như không ai có thể cho bạn biết chi phí thay thế một nhân viên có kinh nghiệm. Và bất cứ lúc nào năng suất được xem xét, nó được thực hiện như là biến động nhân sự không có hoặc chi phí bằng không. Dự án Eagle tại Data General là một trường hợp điển hình. Dự án đó là một chiến thắng của Học thuyết Tây Ban Nha: Các thành viên nghiện công việc của dự án đã dành vô số giờ phụ trội không lương để đẩy năng suất lên những mức độ chưa từng có. Khi kết thúc dự án, hầu như toàn bộ đội ngũ phát triển đều bỏ việc. Chi phí đó là bao nhiêu? Không ai có thể ước lượng nổi.
Năng suất phải được định nghĩa là lợi nhuận chia chi phí. Lợi nhuận là số tiền tiết kiệm và doanh thu từ công việc đã thực hiện, và chi phí phải là tổng chi phí, kể cả chi phí thay thế nhân viên sau nỗ lực đó.
-- Nguồn: Tom DeMarco, Timothy Lister (2014) Nhân liệu (Peopleware): Các dự án và đội ngũ hiệu quả, xuất bản lần 3.
-- Bài được tập hợp tại Nhân liệu (Peopleware)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét