Chủ Nhật, 29 tháng 6, 2014

Kinh tế học căn bản: Chi phí cơ hội

CHƯƠNG 2: CÁC MÔ HÌNH KINH TẾ: TƯƠNG NHƯỢNG VÀ THƯƠNG MẠI (TIẾP THEO)

TƯƠNG NHƯỢNG: ĐƯỜNG BIÊN KHẢ NĂNG SẢN XUẤT

CHI PHÍ CƠ HỘI

Đường biên khả năng sản xuất còn là lời nhắc nhở hữu ích về điểm căn bản rằng giá trị  thật sự của một hàng hóa không phải là số tiền bỏ ra để mua, mà là điều phải từ bỏ để có được hàng hóa đó - tức chi phí cơ hội (opportunity cost). Chẳng hạn, nếu Boeing quyết định thay đổi sản xuất từ điểm A sang điểm B, Boeing sẽ sản xuất nhiều hơn 8 máy bay nhỏ nhưng sẽ ít hơn 6 Dreamliners. Như vậy chi phí cơ hội của 8 máy bay nhỏ là 6 Dreamliners - tức phải từ bỏ 6 Dreamliners để sản xuất nhiều hơn 8 máy bay nhỏ. Nghĩa là mỗi một máy bay nhỏ có chi phí cơ hội là 6/8 = 3/4 Dreamliner.

Có phải chi phí cơ hội của việc thêm một máy bay nhỏ ứng với Dreamliners lúc nào cũng vậy, bất chấp số lượng máy bay nhỏ và Dreamliners hiện đang được sản xuất? Trong ví dụ minh họa ở Hình 2-1, câu trả lời là đúng. Nếu sản xuất máy bay nhỏ của Boeing tăng từ 28 lên 40, thì số Dreamliners mà nó sản xuất sẽ giảm từ 9 về 0. Vì vậy chi phí cơ hội cho việc thêm một máy bay nhỏ là 9/12 = 3/4 Dreamliner, tương tự như khi Boeing tăng từ 20 đến 28 máy bay nhỏ. Tuy nhiên trong ví dụ này, vấn đề chi phí cơ hội của việc thêm một máy bay nhỏ ứng với Dreamliners lúc nào cũng vậy là do giả định của ta, vốn được phản ánh trong cách vẽ Hình 2-1. Cụ thể là bất cứ khi nào ta giả định rằng chi phí cơ hội của việc thêm một đơn vị hàng hóa sẽ không thay đổi , thì đường biên sản xuất là một đường thẳng.

Hình 2-1: Đường biên Khả năng Sản xuất

Hơn nữa, như bạn có thể đoán ra, độ dốc của đường biên thẳng khả năng sản xuất sẽ bằng chi phí cơ hội. Trong Hình 2-1, đường biên khả năng sản xuất có độ dốc hằng (constant slope) là 3/4, tức Boeing phải đối diện chi phí cơ hội hằng (constant opportunity cost) cho một máy bay nhỏ là 3/4 Dreamliner. (Phần ôn cách tính độ dốc một đường thẳng được trình bày ở phụ lục chương.) Đây là trường hợp đơn giản nhất, nhưng mô hình đường biên sản xuất còn được sử dụng để khảo sát những tình huống mà chi phí cơ hội thay đổi theo thay đổi hỗn hợp kết quả.

Hình 2-2 minh họa một giả định khác, trường hợp khi đó Boeing đối diện với chi phí cơ hội gia tăng. Như vậy, khi sản xuất càng nhiều máy bay nhỏ, Boeing phải chi phí nhiều hơn khi phải từ bỏ việc sản xuất Dreamliner. Và điều ngược lại cũng đúng: nếu sản xuất càng nhiều Dreamliners, Boeing phải chi phí nhiều hơn khi phải từ bỏ việc sản xuất máy bay nhỏ. Chẳng hạn, để tăng số lượng máy bay nhỏ từ 0 lên 20, Boeing phải từ bỏ việc sản xuất 5 Dreamliners. Tức chi phí cơ hội của 20 máy bay nhỏ sẽ bằng 5 Dreamliners. Nhưng khi tăng sản xuất máy bay nhỏ lên 40, tức sản xuất thêm 20 máy bay nhỏ nữa - Boeing phải từ bỏ việc sản xuất thêm 25 Dreamliners nữa, một chi phí cơ hội cao hơn rất nhiều. Như bạn có thể thấy ở Hình 2-2, khi chi phí cơ hội gia tăng thay vì bằng hằng, đường biên khả năng sản xuất là đường cánh cung thay vì đường thẳng.

Hình 2-2: Sự Gia tăng Chi phí Cơ hội

Mặc dù thường hữu ích khi làm việc với giả định đơn giản rằng đường biên khả năng sản xuất là đường thẳng, các nhà kinh tế cho rằng chi phí cơ hội thường tăng trong thực tế. Khi chỉ một số lượng nhỏ hàng hóa được sản xuất, chi phí cơ hội để sản xuất lượng hàng hóa đó là khá thấp vì nền kinh tế chỉ cần dùng các tài nguyên thích hợp đặc biệt cho sản xuất. Ví dụ, nếu nền kinh tế chỉ trồng một lượng bắp nhỏ, bắp có thể trồng ở những nơi đất đai và khí hậu hoàn hảo cho việc trồng bắp và ít phù hợp cho việc trồng bất kỳ loại cây trồng khác, chẳng hạn lúa mạch. Vì vậy việc trồng bắp chỉ phải từ bỏ một sản lượng nhỏ lúa mạch tiềm tàng. Tuy nhiên, khi nền kinh tế trồng rất nhiều bắp, đất phù hợp trồng lúa mạch mà không phù hợp để trồng bắp phải được dùng để trồng bắp. Kết quả là việc sản xuất nhiều bắp hơn sẽ phải từ bỏ đáng kể việc sản xuất lúa mạch. Nói cách khác, càng sản xuất nhiều hàng hóa, thường thì chi phí cơ hội sẽ tăng vì đầu vào thích hợp đã được dùng hết và đầu vào ít thích hợp hơn phải được dùng đến.

(Còn tiếp)

-- Nguồn: Paul Krugman (Nobel kinh tế 2008), Robin Wells, Kathryn Graddy (2014) Kinh tế học căn bản, tái bản lần ba.
-- Bài được tập hợp tại Kinh tế học căn bản

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét