Thứ Hai, 23 tháng 6, 2014

Nhân liệu (Peopleware): Định luật Parkinson và Định luật Newton

ĐỊNH LUẬT PARKINSON VÀ ĐỊNH LUẬT NEWTON

Định luật Parkinson còn lâu mới trở thành tiên đề. Đó không phải là định luật tương tự như định luật Newton. Newton là một nhà khoa học. Ông đã khảo sát tác động trọng trường theo phương pháp khoa học nghiêm túc nhất. Định luật của ông chỉ được công bố sau khi đã kiểm chứng cẩn thận. Định luật này đã đứng vững qua nhiều thế kỷ.

Parkinson không phải là nhà khoa học. Ông chẳng thu thập dữ liệu nào cả; rất có thể ông còn không hiểu qui tắc suy luận thống kê. Parkinson là một diễn viên hài. "Định luật" của ông gây chú ý không phải vì nó đúng. Nó gây chú ý vì nó tức cười.

Dĩ nhiên Định luật Parkinson sẽ không tức cười nếu nó đúng ở một phương diện nào đó. Parkinson đưa ra các ví dụ về định luật của mình như được quan sát trong một cơ quan hành chính giả tưởng, một số người tin rằng nó dựa trên hình mẫu của Bưu điện Anh quốc. Các quan chức hành chính dễ vướng vào khuyết điểm đó vì họ trao cho nhân viên những việc ít thỏa mãn. Nhưng bạn rất có thể không làm hành chính. Thậm chí nếu có, bạn phải nỗ lực để đảm bảo rằng nhân viên của bạn không bị ảnh hưởng bởi luật đó; nếu không, họ chẳng bao giờ làm xong chuyện gì. Kết quả là nhân viên của bạn có nhiều cơ hội thỏa mãn công việc. Điều này đưa đến chân lý đơn giản cần được phát biểu ra đây:

Định luật Parkinson hầu như không bao giờ đúng đối với nhân viên của bạn.

Cuộc đời của họ quá ngắn ngủi để trở nên quá lười nhác với công việc. Vì họ vui thú với công việc, họ không muốn công việc cứ lê lết mãi - vì như vậy sẽ giảm bớt niềm vui mà họ ước ao. Họ cũng quyết liệt như bạn để hoàn thành công việc, miễn không phải tương nhượng chuẩn chất lượng của họ.

-- Nguồn: Tom DeMarco, Timothy Lister (2014) Nhân liệu (Peopleware): Các dự án và đội ngũ hiệu quả, xuất bản lần 3.
-- Bài được tập hợp tại Nhân liệu (Peopleware)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét