Chủ Nhật, 22 tháng 6, 2014

Nhân liệu (Peopleware): Quản lý theo Học thuyết Tây Ban Nha

QUẢN LÝ THEO HỌC THUYẾT TÂY BAN NHA

Từ lâu các sử gia đã khái quát nhiều học thuyết khác nhau về giá trị: một trong số đó là Học thuyết Tây Ban Nha, chủ trương rằng giá trị trên trái đất là một lượng cố định, vì vậy con đường tích lũy giàu có là học cách bòn rút hiệu quả hơn từ đất và từ lưng người khác. Rồi đến học thuyết Anh Quốc thì chủ trương rằng giá trị có thể được tạo ra thông qua kỹ năng và công nghệ. Vì vậy người Anh có cuộc Cách mạng Công nghiệp, trong khi người Tây Ban Nha lại rong ruổi tìm cách bóc lột đất đai và người Da Đỏ ở Tân Thế Giới. Họ đã vận chuyển những lượng vàng khổng lồ vượt đại dương, và mọi thứ nhận được nhờ nỗ lực đó là tình trạng lạm phát to lớn (bỏ quá nhiều tiền vàng để theo đuổi quá ít đồ hữu dụng).

Học thuyết Giá trị Tây Ban Nha vẫn sống và sống tốt đối với nhiều người quản lý khắp nơi. Bạn nhận ra ngay bất cứ khi nào họ nói về năng suất. Năng suất phải có nghĩa là đạt được nhiều hơn trong một giờ làm việc, nhưng mọi người thường hiểu rằng phải bòn rút nhiều hơn trong một giờ trả lương. Người quản lý theo Học thuyết Tây Ban Nha mơ ước đạt được những mức năng suất mới thông qua cơ chế phụ trội không lương. Họ chia công việc phải thực hiện trong tuần cho 40 giờ, chứ không phải 80 hay 90 giờ mà nhân viên thật sự phải bỏ ra.

Đó không phải là năng suất - nó giống với gian lận hơn - nhưng đó là nghệ thuật của nhiều người quản lý Hoa Kỳ. Họ bắt nạt và ve vãn nhân viên làm nhiều giờ hơn. Họ gây cho nhân viên ấn tượng về tầm quan trọng của ngày giao sản phẩm (mặc dù ngày đó có thể hoàn toàn tùy ý; thế giới chẳng dừng lại chỉ vì một dự án trễ hạn một tháng). Họ lừa nhân viên phải chấp nhận những tiến độ sát sao một cách vô vọng, khiến nhân viên xấu hổ để phải hy sinh mọi thứ cho hạn chót, và làm tất cả để nhân viên phải làm nhiều hơn và chăm chỉ hơn.

-- Nguồn: Tom DeMarco, Timothy Lister (2014) Nhân liệu (Peopleware): Các dự án và đội ngũ hiệu quả, xuất bản lần 3.
-- Bài được tập hợp tại Nhân liệu (Peopleware)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét