Thứ Ba, 24 tháng 6, 2014

Nhân liệu (Peopleware): Bảy yêu nữ

BẢY YÊU NỮ

Các hy vọng hão huyền được tạo bởi các phi giải pháp công nghệ dễ dàng thì giống như những yêu nữ ve vãn chàng Odysseus tội nghiệp. Mỗi yêu nữ sẽ tiếp cận bạn bằng một thông điệp hấp dẫn riêng, thứ ảo tưởng hấp dẫn mà chẳng đưa đến đâu. Một khi bạn tin vào chúng, bạn sẽ ngại việc nặng cần thiết để xây dựng một văn hóa doanh nghiệp lành mạnh.

Mỗi yêu nữ gây họa cho bạn là một chức năng trong ngành công nghiệp bạn đang làm việc. Chúng tôi đã nhận diện được bảy từ lĩnh vực mà chúng tôi có hiểu biết nhiều nhất, đó là ngành phát triển phần mềm, và chúng tôi trình bày chúng dưới đây, kèm theo phản hồi của chúng tôi.

Bảy hy vọng hão huyền về quản lý phần mềm

* Bạn đã bỏ sót một mẹo mới có thể tăng năng suất một cách ấn tượng.
Phản hồi: Bạn không đến nỗi dại để có thể bỏ sót điều gì có tính cơ bản. Bạn đang tiếp tục khảo khát những phương pháp mới và thử nghiệm phương pháp nào có vẻ hợp lý nhất. Chẳng có biện pháp nào mà bạn đã áp dụng hay có thể áp dụng có thể tăng năng suất một cách ấn tượng. Tuy nhiên, các biện pháp đó giữ cho mọi người đều sung sức: Nhân viên thích tham gia động não, học tập, và cải tiến. Ngoài kia nếu có điều đổi mới kỳ diệu nào mà bạn bỏ sót, thì chỉ là thủ thuật gây lo lắng, được tiến hành bởi những người muốn bán hàng.

* Những người quản lý khác đang có kết quả tăng năng suất 100%, 200% hay cao hơn!
Phản hồi: Quên chuyện đó đi. Công cụ kỳ diệu thông thường được chào hàng cho bạn đều tập trung vào công đoạn viết mã và kiểm thử trong vòng đời phát triển. Thậm chí nếu đó không phải là viết mã và kiểm thử, bạn không thể kỳ vọng có thể tăng năng suất 100%. Vẫn còn phải hoàn thành các công đoạn phân tích, đàm phán, đặc tả, huấn luyện, nghiệm thu, chuyển đổi, và chuyển giao.

* Công nghệ đang đi quá nhanh khiến bạn bị tụt hậu.
Phản hồi: Đúng, công nghệ đang đi rất nhanh, nhưng (một lần nữa xuất hiện  Ảo tưởng Công nghệ Cao), hầu hết những điều bạn đang làm thực chất không phải là công nghệ cao. Trong khi máy móc đã thay đổi khủng khiếp, công việc phát triển phần mềm vẫn khá yên bình. Ta vẫn dành hầu hết thời gian làm việc trên các yêu cầu và đặc tả, tức phần công nghệ thấp trong công việc của ta. Năng suất công nghiệp phần mềm đã tăng 3 - 5% một năm, chỉ hơi cao hơn công nghiệp luyện kim và ô tô.

* Thay đổi ngôn ngữ sẽ cho bạn lợi thế to lớn.
Phản hồi: Ngôn ngữ là quan trọng vì chúng ảnh hưởng đến cách tư duy vấn đề của bạn, nhưng một lần nữa, chúng chỉ ảnh hưởng đến phần thi công dự án. Do bị thổi phồng quá mức, một số ngôn ngữ mới bị cho là laetrile. Chẳng hạn, đồng ý là nên thi công một chức năng mới bằng Java, thay vì PHP, nhưng trước khi có Java, vẫn có những cách tốt hơn để thực hiện điều bạn cần làm: một số công cụ có thể giúp dễ dàng thi công những nhóm chức năng nhất định. Trừ phi bạn mê ngủ trong vài chục năm qua, thay đổi về không ngữ không giúp bạn nhiều lắm. Nó thể thể giúp tăng 5% năng suất (chẳng có gì là ầm ĩ), nhưng không thể nhiều hơn.

* Vì còn nhiều chức năng tồn đọng, bạn phải tăng gấp đôi năng suất ngay lập tức.
Phản hồi: Hầu hết những bàn luận về chức năng tồn đọng đều là chuyện hoang đường. Ta đều biết chi phí cuối cùng cho dự án cao hơn rất nhiều so với kỳ vọng ban đầu. Vì thế chi phí của hệ thống chưa tạo ra năm nay (do ta chưa thể) được giả định một cách lạc quan là chỉ bằng một nửa so với chi phí thật sự, hay thậm chí ít hơn. Dự án bị tồn đọng là vì điều kiện chưa đủ thuận lợi, thậm chí với những giả định về chi phí lạc quan nhất. Nếu biết chi phí thật sự của nó, ta sẽ thấy dự án đó là một thất bại về kinh tế. Nếu nó không tồn đọng, nó đã bị loại bỏ.

*  Bạn đã tự động mọi thứ; có phải đã đến lúc bạn tự động thoát khỏi đội ngũ phát triển phần mềm của bạn?
Phản hồi: Đây là một biến thể của Ảo tưởng Công nghệ Cao: niềm tin cho rằng người phát triển phần mềm thực hiện dễ dàng công việc có thể tự động hóa. Công việc chính của họ là giao tiếp con người để tổ chức các nhu cầu người dùng thành thủ tục hình thức. Công việc đó là cần thiết cho dù có thay đổi vòng đời ra sao. Và điều đó khó có thể tự động.

* Nhân viên của bạn sẽ làm việc tốt hơn nếu bạn gây áp lực thật nhiều với họ.
Phản hồi: Họ sẽ không làm việc tốt hơn - họ sẽ bớt hứng thú hơn với công việc mà thôi.

-- Nguồn: Tom DeMarco, Timothy Lister (2014) Nhân liệu (Peopleware): Các dự án và đội ngũ hiệu quả, xuất bản lần 3.
-- Bài được tập hợp tại Nhân liệu (Peopleware)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét